Tin mới
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 151
  • Trong tuần: 1 516
Một số nội dung cần lưu ý khi thực hiện việc khai tài sản, thu nhập theo Nghị định số 130/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ

Ngày 30/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (gọi tắt là Nghị định 130). Nghị định 130 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2020 và bãi bỏ Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 78). Theo đó, việc triển khai thực hiện kê khai tài sản, thu nhập như sau:

Thứ nhất, về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập

Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định cụ thể 4 nhóm đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm: (1) Cán bộ, công chức; (2) Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; (3) Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; (4) Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thứ hai, về phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập

Theo quy định tại Điều 36 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì có 04 phương thức và thời điểm kê khai, gồm:

- Kê khai lần đầu: áp dụng đối với 3 nhóm đối tượng hiện đang giữ vị trí công tác và lần đầu giữ vị trí công tác theo quy định khoản 1, 2, 4 Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng tại thời điểm Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2019). Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, do tại thời điểm Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực thi hành, Chính phủ chưa ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành, nhất là về mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập, do vậy việc kê khai lần đầu sẽ áp dụng khi triển khai thực hiện Nghị định 130.

- Kê khai bổ sung: được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Việc kê khai hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm có biến động tài sản.

- Kê khai hằng năm: áp dụng đối với 2 nhóm đối tượng: (1) Người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên; (2) Người có nghĩa vụ kê khai theo quy định tại Điều 10 Nghị định 130 của Chính phủ. Việc kê khai hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 hằng năm.

- Kê khai phục vụ công tác cán bộ: các đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập khi được dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại… việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày trước ngày dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, thời điểm kê khai được thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử.

Thứ ba, về mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập

Nghị định 130 ban hành kèm theo Phụ lục 02 mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập: (1) Mẫu thực hiện kê khai lần đầu, kê khai hằng năm, kê khai phục vụ công tác cán bộ; (2) Mẫu kê khai tài sản, thu nhập bổ sung. Nghị định 78 chỉ ban hành 01 mẫu bản kê khai chung.

Đối với mẫu bản kê khai lần đầu, kê khai hằng năm, kê khai phục vụ công tác cán bộ cơ bản vẫn có 3 phần chính về thông tin chung, thông tin mô tả về tài sản, giải trình sự biến động của tài sản, thu nhập tăng thêm. Tuy nhiên, có một số điểm mới so với mẫu bản kê khai ban hành kèm theo Nghị định 78, như sau:

- Về thông tin chung: bổ sung thêm nội dung kê khai số căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp của người kê khai tài sản, thu nhập và của vợ (hoặc chồng), con chưa thành niên của người kê khai tài sản, thu nhập.

- Về thông tin mô tả về tài sản:

+ Nội dung kê khai về quyền sử dụng thực tế đối với đất là mục tài sản đầu tiên phải kê khai (trước đây mục tài sản đầu tiên kê khai là nhà ở và công trình xây dựng); đối với nhà ở bỏ nội dung kê khai về cấp công trình.

+ Bổ sung mục tài sản khác gắn liền với đất phải kê khai (cây lâu năm, rừng sản xuất, vật kiến trúc gắn liền với đất).

+ Bổ sung đối tượng kê khai là vàng, kim cương, bạch kim có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên (trước đây chỉ kê khai kim loại quý, đá quý) và tách riêng phần cổ phiếu, trái phiếu, vốn góp, các loại giấy tờ có giá khác mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên.

+ Đối với các tài sản khác (đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, bàn ghế, cây xanh, tranh ảnh, yêu cầu khi kê khai phải ghi cụ thể năm bắt đầu sở hữu.

+ Bỏ nội dung kê khai các khoản nợ (các khoản phải trả, giá trị tài sản quán lý hộ, giữ hộ có tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên).

+ Về tổng thu nhập: tổng thu nhập phải kê khai được xác định giữa hai lần kê khai (trừ kê khai lần đầu), đồng thời tách riêng kê khai từng khoản thu nhập của người kê khai, thu nhập và thu nhập của vợ (chồng), thu nhập của con chưa thành niên của người kê khai.

Thứ tư, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập có thể được Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tiến hành xác minh theo kế hoạch hằng năm

Hằng năm, người đứng đầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (quy định tại tại khoản 1, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng) phê duyệt nội dung và ban hành kế hoạch xác minh đối với cơ quan, đơn vị và người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.

Việc lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh căn cứ vào các tiêu chí: (1) Người có nghĩa vụ kê khai là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; (2) Người có nghĩa vụ kê khai chưa được xác minh về tài sản, thu nhập trong thời gian 04 năm liền trước đó; (3) Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc một trong các trường hợp sau: đang bị điều tra, truy tố, xét xử; đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.

Thứ năm, về xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai

Điều 20 Nghị định 130 quy định xử lý các hành vi vi phạm đối với người kê khai, cụ thể:

Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: Cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Trường hợp đã được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật. Trường hợp người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn hoặc cử vào chức vụ dự kiến. Trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử

- Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm./.

 

Nguyễn Thị Vợi

Phòng Thanh tra PCTN



 

2017 © Bản quyền thuộc Thanh tra tỉnh Bắc Kạn
Địa chỉ: Số 10, đường Trường Chinh, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn
Điện thoại: 02093.870.516 | Fax: 02093.811.009 I Email: thanhtra@backan.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang