Tin mới
  • Đang online: 35
  • Hôm nay: 146
  • Trong tuần: 3 418
Giải pháp nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình góp phần xây dựng và giữ gìn đoàn kết nội bộ trong Chi bộ Thanh tra tỉnh
anh tin bai

Hình ảnh: Chi bộ Thanh tra tỉnh tổ chức Hội nghị Kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2022

Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng. Để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng, làm cho Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc thiêng liêng: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Người chỉ rõ:

* Tự phê bình là “nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình”, là sẵn sàng thừa nhận trước mọi người những khuyết điểm, hạn chế của mình để bản thân cũng như mọi người tìm cách sửa chữa, khắc phục. Mục đích của tự phê bình là để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, củng cố và tăng cường đoàn kết nội bộ. Đó cũng chính là cách mỗi người tự đánh giá để vừa thấy được “cái hay”, “cái dở” của mình, vừa tạo điều kiện cho những người xung quanh đóng góp ý kiến, giúp bản thân sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm.

* Còn phê bình là “nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình”; là tham gia góp ý kiến và nêu cách thức để sửa chữa khuyết điểm cho đồng chí. Từ đó, cổ vũ đồng chí mình phát huy những ưu điểm, những cách làm hay, những việc làm tốt, đồng thời giúp nhau tìm ra biện pháp khắc phục khuyết điểm, hạn chế, sai lầm để cùng nhau ngày càng tiến bộ.

Trong thời gian qua, tự phê bình và phê bình trong Chi bộ Thanh tra tỉnh đã được tiến hành gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Mặc dù đã có nhiều ưu điểm, chuyển biến nhưng việc thực hiện tự phê bình và phê bình vẫn còn có những hạn chế, như: Còn có cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, mục đích, ý nghĩa, tác dụng của tự phê bình và phê bình nên chưa chú trọng, nghiêm chỉnh, tự giác thực hiện. Việc tự phê bình và phê bình chủ yếu được thực hiện vào dịp kiểm điểm cuối năm. Một số đảng viên còn ít thể hiện quan điểm, chính kiến, chưa mạnh dạn góp ý cho cấp trên, đồng chí, đồng nghiệp. Nội dung  tự phê bình và phê bình nhiều khi chưa trọng tâm, trọng điểm, còn có đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao. Do đó, cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình để tự giác, thường xuyên, nghiêm chỉnh thực hiện.

Để thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình nhằm góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng đoàn kết nội bộ, trong thời gian tới Chi bộ Thanh tra tỉnh tập trung thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, trong đó có vấn đề tự phê bình và phê bình. Cần thấy rằng, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng là giải pháp quan trọng, nhằm góp phần rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hai là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình để tự giác, thường xuyên, nghiêm chỉnh thực hiện. Để thực sự nêu gương trong tự phê bình và phê bình, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt, người đứng đầu cần tự giác, trung thực, tự phê bình thật nghiêm túc, khách quan, có lý, có tình, mang tính xây dựng cao. Tập trung kiểm điểm về trách nhiệm đối với công việc và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình; về phẩm chất cá nhân trên tất cả các mặt, từ nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đến quan hệ với quần chúng... Qua đó, thấy rõ ưu điểm để phát huy, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa; đồng thời, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau. Tránh tư tưởng dễ dãi, bao che, hoặc tranh công, đổ tội. Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, nhưng phải “đúng lúc, đúng cách” và “phải biết tôn trọng lẫn nhau”.

Ba là, Chỉ đạo việc thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình trong Chi bộ thường xuyên để phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Trong quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình, cần phải khách quan, trung thực, công tâm và công khai, “không đặt điều”, “không thêm bớt”. Khi góp ý, phải thẳng thắn, chân thành, có tình, có lý, làm cho người được góp ý “tâm phục, khẩu phục”. Người phê bình phải lựa chọn phương pháp thích hợp, tế nhị trong lời nói, tránh động cơ vụ lợi, ích kỷ, hẹp hòi, hoặc vì thành kiến cá nhân, không thừa nhận thành tích của nhau nên lợi dụng phê bình để đả kích, hạ uy tín, gây mất đoàn kết nội bộ. Đặc biệt, không được lợi dụng tự phê bình và phê bình để mỉa mai, khích bác, gây khó chịu, khó tiếp thu, gây ra tự ái hoặc hiểu nhầm cho người bị phê bình; nhất là tránh tình trạng: “Ai hợp với mình thì người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống”.Người được phê bình cần phải có thái độ thành khẩn, cầu thị, vui lòng sửa đổi; không vì được góp ý về khuyết điểm của mình mà nản chí hoặc oán ghét người phê bình mình, rồi im lặng mà không sửa đổi. Thái độ khi tiếp thu phê bình là phải lắng nghe, thể hiện sự tiếp thu một cách thiện chí và nêu quyết tâm sửa chữa, tránh tình trạng nhận khuyết điểm một cách qua loa, thiếu ý thức. Trong trường hợp có ý kiến góp ý với mình chưa đúng, thì phải bình tĩnh, mềm dẻo và khiêm tốn để trình bày, giải thích.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với việc thực hiện tự phê bình và phê bình. Để đảm bảo nguyên tắc tự phê bình và phê bình được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.

Nông Thị Lệ Quyên, Thanh tra tỉnh

2017 © Bản quyền thuộc Thanh tra tỉnh Bắc Kạn
Địa chỉ: Số 10, đường Trường Chinh, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn
Điện thoại: 02093.870.516 | Fax: 02093.811.009 I Email: thanhtra@backan.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang